Lượt xem: 24269

Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đình, chùa người Kinh trong mối giao thoa với văn hóa Sóc Trăng

Trong đời sống văn hóa của người Kinh ở Sóc Trăng nói riêng và ở cả nước nói chung, đình, chùa người Kinh luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh, tín ngưỡng hoặc tôn giáo của cộng đồng. Ngoài ngôi đình thể hiện tín ngưỡng dân gian, thì ngôi chùa cũng ít nhiều mang ảnh hưởng của tín ngưỡng dân gian. 

Điều này thể hiện qua đối tượng thờ trong các ngôi chùa: nhiều chùa không chỉ thờ Phật mà là thờ “tiền Phật, hậu Thánh” hoặc “tiền Phật, hậu Thần”. Các vị thánh, thần được thờ ở chùa có thể là nhiên thần, nhân thần. Ngoài ra, hầu như chùa nào cũng có bàn thờ Tổ để thờ cúng tưởng nhớ các vị sư tiền bối ở chùa. Đây được xem là một biểu hiện của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên truyền thống của người Kinh. Đặc biệt ở gian Hậu, nơi  đưa vong lên chùa khiến một số lượng lớn người bình dân được thờ cúng trong chùa, từ đó đưa ngôi chùa xích lại gần hơn đời sống thường ngày của cộng đồng.


Đình Phú Lộc, thị trấn Phú Lộc, huyện Thạnh Trị

    Sóc Trăng có trên 200 ngôi chùa của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa và khá nhiều cơ sở thờ tự tôn giáo khác. Nhiều chùa Khmer, chùa Hoa xây dựng rất quy mô, hoành tráng, phát huy tốt kiến trúc truyền thống của từng dân tộc. Nổi bật là nghệ thuật kiến trúc xây dựng chánh điện và các công trình khác, trang trí tranh, tượng, hoa văn, bao lam, phù điêu độc đáo.

    Thông qua công tác khảo sát, tiếp xúc ghi nhận với các vị sư, Ban quản trị các chùa hay Ban quản lý các đình cho thấy không ít đình, chùa người Kinh có nguồn gốc thành lập, quá trình lịch sử của đình, chùa cùng với những truyền thuyết mang những nét hấp dẫn, độc đáo riêng. Thống kê cho biết có đến 15/73 ngôi đình có cách nay trên 110 năm đến trên 300 năm; 29/71 ngôi chùa người Kinh trong tỉnh xuất hiện cách nay từ 100 năm đến trên 200 năm.

    Tuy nhiên, đến nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng thì chỉ còn vài ngôi đình lớn còn giữ được nét kiến trúc tiêu biểu và lễ hội cúng đình đủ sức thu hút đông đảo người dân và du khách tìm đến mỗi dịp lễ hội. Hầu hết các đình còn lại  được phục dựng lại với quy mô nhỏ và rất sơ sài nên biến dạng, làm giảm đi các giá trị vốn có của ngôi đình. Trừ một số đình được xây dựng mới từ những năm 2000 đến nay, còn khá nhiều đình mang dáng dấp của nhà cấp 4. Có một số ngôi đình quá nhỏ, xây dựng sơ sài, mang tính chất tạm bợ, không có cả vách tường, hàng rào, cổng, cột xi măng, mái tol nhưng đã xuống cấp, nhưng thiếu nguồn vốn trùng tu hoặc xây dựng lại.

    Các chức năng chính của đình làng hiện nay chỉ gói gọn trong một vài lễ hội trong năm còn phần lớn thời gian là đóng cửa - đối với đình có kiến trúc khép kín hoặc để mở và không có bóng dáng các hoạt động nào. Điều đó đã dẫn đến một thách thức chung đối với nhiều ngôi đình đó là sự suy giảm các chức năng truyền thống cũng như mối liên hệ giữa người dân địa phương và đình làng càng trở nên mờ nhạt.

    Đối với các ngôi chùa của người Kinh ở tỉnh Sóc Trăng do chiến tranh, không ít ngôi chùa cũng bị tàn phá. Từ năm 2000 trở đi, khi điều kiện kinh tế phát triển và đề đáp ứng nhu cầu tâm linh tín ngưỡng của đông đảo tín đồ Phật giáo trong tỉnh nên phần lớn các ngôi chùa đều đã được xây dựng mới. Trong quá trình xây dựng đa số đều có giữ gìn kiến trúc chùa theo kiến trúc thời Lý - Trần; nhưng kiến trúc một số ngôi chùa người Kinh hiện nay có sự thay đổi so với trước do nhiều nguyên nhân tác động và nguyên nhân chủ yếu là do con người. Vì trong quá trình xây dựng, những người có trách nhiệm vừa có ý muốn giữ gìn kiến trúc truyền thống, vừa lại có ý tiếp nhận một số kiến trúc khác để tạo sự mới lạ trong phong cách, nên trong quá trình trùng tu đã tạo ra những công trình pha tạp, thiếu bản sắc văn hóa, làm mất đi giá trị của di sản của ngôi chùa của người Kinh.

    Một số ngôi chùa dường như chỉ nghiêng về việc tô đậm hình thức bên ngoài, chú trọng lễ bái, mà chưa thật sự coi trọng việc chân truyền Phật pháp tu dưỡng tâm đức, sao cho đời sống tâm hồn chúng sinh được trong sáng hơn, thư thái hơn khi bước vào cửa chùa. Mặt khác, có tình trạng một số chùa được hình thành từ nhà ở của gia đình Phật tử nên chưa thể hiện rõ nét kiến trúc truyền thống của ngôi chùa của người Kinh. Ở vùng nông thôn sâu, kinh tế chưa phát triển nhiều, nên cơ sở vật chất các chùa còn nhiều thiếu thốn. Có chùa như là dạng nhà cấp 4, còn tạm bợ, đường giao thông đi lại khó khăn, nhất là trong mùa mưa, nhưng thiếu kinh phí trùng tu hoặc xây dựng mới.

    Cho nên, cần phải bảo tồn các kiến trúc đình, chùa của người Kinh nhằm mục đích tôn vinh và kế thừa các giá trị văn hóa truyền thống và gìn giữ các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của dân tộc gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, du lịch của tỉnh.

    Căn cứ vào khoản 2, điều 4 của Luật Di sản văn hóa bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2010 thì đình, chùa của người Kinh là di sản văn hóa vật thể bởi vì đó “là sản phẩm vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, bao gồm di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia”. Chính vì thế cho nên cần phải “Tôn trọng, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa”, đồng thời “Phát huy giá trị di sản văn hóa vì lợi ích của toàn xã hội”. Vì vậy, cần tập trung nhiều giải pháp khả thi để đáp ứng tốt những nhiệm vụ nêu trên.

    1. Nhóm giải pháp về quản lý Nhà nước

    Tăng cường tuyên truyền Luật Di sản văn hóa và Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; các văn bản của Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các bộ, ngành Trung ương về công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích thông qua nhiều hình thức truyền thông phù hợp như: Báo nói, báo in, trang thông tin điện tử, ấn phẩm văn hóa...

    UBND tỉnh có chủ trương, chính sách quy định chung về giữ gìn kiến trúc truyền thống đình, chùa của người Kinh ở Sóc Trăng trong quá trình trùng tu, nâng cấp hoặc xây dựng mới các đình, chùa trong tỉnh, nhất là các đình, chùa là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia hoặc có giá trị về lịch sử, truyền thống. Ban hành chính sách  bảo vệ kiến trúc, di sản đình, chùa của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa trong tỉnh, để đình, chùa đều thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc, trưng bày...

    Ngành văn hóa, thể thao và du lịch, ngành xây dựng, Ban Tôn giáo cùng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Sóc Trăng cần thống nhất về định hướng kiến trúc xây dựng đình, chùa người Kinh để trình UBND tỉnh phê duyệt. Đối với các chùa, cần có sự lãnh đạo của chính quyền, định hướng của ngành chuyên môn, có phối hợp chặt chẽ giữa Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo cấp tỉnh, huyện, thị xã, thành phố với chính quyền địa phương, ngành chuyên môn và hội, đoàn thể để bảo vệ tốt kiến trúc truyền thống đình, chùa trong quá trình trùng tu hay sửa chữa, xây dựng mới. bảo đảm tính truyền thống và bản sắc văn hóa trong kiến trúc đình, chùa của dân tộc Kinh. Ngôi đình, một trong những biểu tượng của lòng biết ơn những bậc tiền nhân, những người có công với Tổ quốc, nhân dân, là niềm tự hào của địa phương, là một trong những biểu hiện của đời sống văn hóa, của đạo đức "Uống nước nhớ nguồn", nên không thể chấp nhận sự thiếu trách nhiệm trong trùng tu, xuề xòa trong kiến trúc xây dựng.

    Thành lập Ban Quản lý, Ban Bảo vệ di tích từ tỉnh đến cơ sở theo quy định để theo dõi, quản lý các di tích văn hóa nói chung trong đó có các đình, chùa của người Kinh trên địa bàn tỉnh. Chính quyến địa phương chỉ đạo củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy tổ chức chăm sóc các đình tại địa phương, hướng dẫn hỗ trợ các hoạt động lễ hội truyền thống của đình làng hàng năm.

    Tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo quản, trùng tu và xây dựng mới các kiến trúc đình, chùa nhằm phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm hại hoặc lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị đình, chùa của người Kinh để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan hoặc thực hiện những hành vi khác trái pháp luật, trái với thuần phong, mỹ tục.

    2. Nhóm giải pháp về nghiệp vụ chuyên môn và phát huy vai trò của cộng đồng

    Hình thành đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích có tâm huyết, có kiến thức, năng lực chuyên môn về kiến trúc đặc biệt là kiến trúc đình, chùa. Đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ chuyên môn, cả Ban hộ tự, Ban hội đình, nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ, kiến thức pháp luật về di sản văn hóa nói chung và đình chùa của người Kinh nói riêng cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý văn hóa, quản lý đình, chùa.

    Ban ngành chức năng phối hợp với địa phương kịp thời có kế hoạch nâng cao công tác quản lý Nhà nước đối với đình, chùa, miếu nói chung, trong đó có đình, chùa của người Kinh; định hướng kiến trúc tôn tạo nâng cấp đình, chùa. Đặc biệt ưu tiên đến các đình, chùa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, nơi gắn với truyền thống văn hóa, kiến trúc, lịch sử cũng như truyền thống đấu tranh cách mạng của tỉnh.

    Kiểm kê toàn diện kiến trúc các đình, chùa của người Kinh trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, nhận diện và xác định giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của các đình chùa của người Kinh. Chỉ đạo, hỗ trợ, kết hợp với nhiều hội, ngành, đoàn thể trong biên soạn lịch sử các đình, chùa, làm cơ sở giáo dục truyền thống tại địa phương và trong tỉnh.

    Tiếp tục tổ chức nghiên cứu, sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể gắn với kiến trúc đình, chùa của người Kinh; cập nhật cơ sở dữ liệu về đình chùa của người Kinh ở cơ sở để xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng, chính quyền địa phương các cấp về tầm quan trọng, giá trị và tiềm năng của kiến trúc đình, chùa của người Kinh tỉnh Sóc Trăng. Tiếp tục khảo sát, lập hồ sơ khoa học các di sản văn hóa phi vật thể (nếu có) đối với kiến trúc đình, chùa của người Kinh đề nghị ngành văn hóa xét công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, cấp quốc gia.

    Tích cực vận động sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn kiến trúc đình, chùa của người Kinh chẳng những về mặt vật chất mà quan trọng hơn cả là  tham gia giám sát kịp thời đối với tình trạng xuống cấp hoặc tu sửa, bổ sung hay xây dựng mới các đình, chùa tại địa bàn. Công tác trùng tu phải dựa trên những nghiên cứu, khảo sát, phân tích, đánh giá toàn diện. lập hồ sơ đầy đủ trước khi can thiệp vào di tích. Bảo tồn - trùng tu ưu tiên sử dụng các vật liệu, chất liệu truyền thống, các quy trình kỹ thuật thi công truyền thống. Việc sử dụng các vật liệu, kỹ thuật mới khi cần thiết phải có các giải pháp không làm ảnh hưởng đến các đặc điểm, giá trị vốn có của di tích.

    Đẩy mạnh công tác xã hội hóa công tác bảo vệ và phát huy giá trị kiến trúc đình, chùa của người Kinh thông qua các biện pháp tuyên truyền trong các hoạt động lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng tại các đình chùa, các cuộc sinh hoạt tổ nhân dân tự quản tại địa phương và xúc tiến thành lập Hội Di sản tỉnh. Cần thêm tiêu chí chăm sóc, bảo vệ, trùng tu đình làng trong xem xét công nhận địa phương đạt chuẩn xã nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.


Khách hành hương viếng chùa Phước Lâm huyện Mỹ Xuyên

    Tỉnh nên có quy định về công tác thi đua khen thưởng trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị của kiến trúc đình, chùa của người Kinh để khuyến khích động viên các tầng lớp, thành phần trong xã hội cùng giữ gìn, tôn tạo, phát huy, phát triển các giá trị nghệ thuật kiến trúc đình, chùa của người Kinh ở tỉnh Sóc Trăng.

    3. Giải pháp bảo tồn kiến trúc đình, chùa của người Kinh để góp phần phục vụ hoạt động du lịch

    Trong bối cảnh thế giới đang ngày đối mặt với nhiều thách thức về chính trị, tôn giáo và môi trường, văn hóa và tín ngưỡng sẽ là sợi dây kết nối con người với nhau. Du lịch tâm linh góp phần xây dựng mối quan hệ thân thiện, khuyến khích tình bằng hữu, giúp vượt qua các thành kiến văn hóa và tôn giáo. Có thể xem du lịch tâm linh là công cụ kiến tạo hòa bình” 

    Trong những năm qua, từ khi có nghị quyết 05/NQ-TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch và kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh, hoạt động du lịch Sóc Trăng có bước tăng trưởng đáng kể, trong đó có sự đóng góp to lớn và bền vững từ du lịch tâm linh. Đặc biệt, một số đình, chùa của người Kinh tỉnh Sóc Trăng là di sản có giá trị về mặt kiến trúc vật thể và phi vật thể, cùng với giá trị về nguồn gốc lịch sử, gắn với bản sắc văn hóa và giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trong lĩnh vực kiến trúc. Đó chính là kho tàng di sản văn hoá lâu đời của địa phương, góp phần vào kho tàng di sản văn hóa của cả nước.

    Giữ gìn truyền thống chung, trong đó có kiến trúc đình, chùa của người Kinh và các dân tộc Khmer, Hoa trong tỉnh là nhiệm vụ chung của các ngành các cấp trong tỉnh và của cả cộng đồng. Để trong thời kỳ hội nhập và phát triển, kiến trúc đình, chùa nói chung vẫn luôn luôn thể hiện tốt bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc, đồng hành cùng với sự phát triển kinh tế và văn hóa chung của địa phương và đất nước./.

Trịnh Công Lý



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 42
  • Hôm nay: 8015
  • Trong tuần: 78,722
  • Tất cả: 11,802,042